Tin tức
Cần tìm hiểu những thông tin gì và tìm hiểu ở đâu để biết một dự án có phải là dự án “ma” hay không? Vấn đề này đã được các chuyên gia giải đáp trong chương trình Radio Nhà đẹp & Chuyên gia số 10 do Batdongsan.com.vn thực hiện.

Cần tìm hiểu những thông tin gì và tìm hiểu ở đâu để biết một dự án có phải là dự án “ma” hay không? Vấn đề này đã được các chuyên gia giải đáp trong chương trình Radio Nhà đẹp & Chuyên gia số 10 do Batdongsan.com.vn thực hiện.
Hỏi:
Gọi điện đến chương trình Radio Nhà đẹp & Chuyên gia, khán giả Nguyễn Tài Đại đặt câu hỏi: “Tôi muốn hỏi khi đi mua đất dự án, cần kiểm tra những thông tin gì để biết dự án đó là hợp pháp, có quy hoạch thực và đã được cấp phép đàng hoàng, tránh gặp phải dự án ‘ma’ như trường hợp của Alibaba?”.
Trả lời:
Luật sư Phạm Thanh Sơn:
Về mặt pháp lý, mọi dự án đều phải có quyết định phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Theo Luật Đầu tư mới có hiệu lực từ tháng 7/2015, các dự án phải xin phê duyệt 1/2000 xác định quy hoạch vùng, 1/500 xác định quy hoạch sử dụng đất, thiết kế cơ sở, phương án kiến trúc… đồng thời chủ đầu tư phải hoàn tất tất cả các nghĩa vụ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Để có quyết định đầu tư, hồ sơ dự án phải trình lên UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xem xét. Mọi dự án đều có quyết định đầu tư. Nếu dự án đã có quyết định đầu tư, đồng nghĩa với việc chủ đầu tư đã nộp đủ ngân sách, thực hiện xong những nghĩa vụ nhất định từ quá trình đầu tư, lên phương án thiết kế, quy hoạch... và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận.
Khách hàng có thể tìm kiếm quyết định đầu tư dự án trên cổng thông tin của các cấp ủy ban, UBND tỉnh thành phố trực thuộc trung ương.
Để tránh mua phải dự án “ma”, nhà đầu tư nên tìm hiểu về tính pháp lý của dự án
và điều kiện kinh doanh của chủ đầu tư.
Ngoài vấn đề pháp lý, bạn cũng cần xem xét đến việc dự án đã đủ điều kiện mở bán hay chưa. Chẳng hạn, để được mở bán, dự án đất nền phải làm xong hạ tầng, dự án chung cư phải làm xong cốt 0.0. Khi đó, hợp đồng đầu tư mới có giá trị.
Như vậy, để tránh rủi ro khi mua nhà đất dự án, có 2 vấn đề mà nhà đầu tư cần quan tâm là pháp lý của chủ đầu tư và điều kiện kinh doanh của chủ đầu tư.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn:
Về mặt dự án, nhà đầu tư nên chọn mua dự án của những chủ đầu tư có uy tín, căn cứ vào tiềm lực tài chính và những dự án trước đó mà chủ đầu tư này đã thực hiện. Bởi thực tế, dự án dù đã làm xong cốt 0.0, đã san lấp mặt bằng nhưng vẫn có thể dừng triển khai. Chủ đầu tư có thể chỉ lên dự án để huy động vốn hoặc tự vẽ dự án “ma” như trường hợp của Công ty Địa ốc Alibaba.
Như vậy, sau khi xem xét tính pháp lý của dự án, nhà đầu tư cần cân nhắc thêm về khả năng thực hiện dự án của chủ đầu tư. Bên cạnh đó, cần thường xuyên nghe ngóng thông tin thị trường và thông tin quy hoạch.
Tin thị trường
NHỮNG " CON SÂU " LÀM XẤU NGHỀ MÔI GIỚI
Những trò chiêu dụ, lừa đảo của một số người môi giới bất động sản đã làm xấu thị trường cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế - xã hội.

Những trò chiêu dụ, lừa đảo của một số người môi giới bất động sản đã làm xấu thị trường cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế - xã hội.
Sự bùng nổ đội ngũ môi giới đã góp phần giúp thị trường bất động sản (BĐS) thời gian qua sôi động. Tuy nhiên, do thiếu sự kiểm soát, quản lý nên cũng đem đến không ít hệ lụy cho thị trường. Người dân nhìn những người môi giới nhà đất bằng ánh mắt thiếu thiện cảm.
Bùng nổ thiếu kiểm soát
Khoảng 2-3 năm trước, khi thị trường BĐS hồi phục, nhiều dự án được hồi sinh và triển khai mới, kéo theo sự ra đời của hàng loạt doanh nghiệp môi giới nhà đất. Họ đua nhau tuyển nhân sự, đào tạo qua loa rồi cho ra thị trường kiếm khách. Họ được gắn những cái tên rất kêu như chuyên viên môi giới nhà đất, nhân viên kinh doanh BĐS… trong khi lại không có bất kỳ bằng cấp, chứng chỉ nào như pháp luật quy định.
Vì áp lực doanh số, được công ty "bật đèn xanh", các nhân viên môi giới này giở đủ trò để chào mời, dụ dỗ khách xuống tiền mua đất, mua căn hộ, biệt thự… như đồng loạt tràn ra đường phát tờ rơi, lôi kéo người đi đường gây mất trật tự, an toàn giao thông; rao bán nhà đất TP HCM nhưng chở khách đi tận Bình Dương, Đồng Nai, Long An… để xem dự án; mạo danh những tập đoàn lớn, ngân hàng; liên tục nhắn tin, gọi điện chào mời hoặc nói quá sự thật về dự án để chiêu dụ khách hàng xuống tiền; tung giá ảo, đồn thổi thông tin để đẩy giá nhà đất… Một đại diện Hội Môi giới Việt Nam thừa nhận nhiều nội dung quảng cáo, rao bán BĐS các website, trang tin, mạng xã hội, nhất là những tờ tin có chi phí rẻ hiện nay không đáng tin cậy, tỉ lệ sai biệt đến hơn 90%.
Chủ tịch Hội Môi giới Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Hà, dẫn một khảo sát sơ bộ của hội cho thấy cả nước có khoảng 160.000 người làm môi giới BĐS nhưng chỉ 40.000 người có chứng chỉ hành nghề. "Trăn trở của Hội Môi giới Việt Nam hiện nay là làm sao để có cơ sở quản lý những người hành nghề môi giới một cách bài bản, góp phần làm thị trường BĐS ổn định hơn" - ông Hà chia sẻ.
Trong khi đó, một văn bản mới đây của Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho thấy cả nước có khoảng 300.000 nhân viên môi giới nhưng chỉ có khoảng 30.000 người có chứng chỉ hành nghề. Đồng nghĩa với việc chỉ có khoảng 10% nhân viên môi giới đã qua đào tạo, dẫn đến hoạt động môi giới bị thả nổi, chất lượng thấp, thiếu tính chuyên nghiệp. "Đây cũng là một nguyên nhân gây ra thiệt hại cho khách hàng và tác động tiêu cực đến thị trường BĐS" - HoREA nhận định.
Rao một đằng, bán một nẻo
Khi tìm hiểu để viết loạt bài này, phóng viên liên tục nhận được các tin nhắn chào mời như: "Hiện tại ngân hàng B. thu hồi nợ 15 nền đất ngay sân bay Long Thành. Mặt tiền đại lộ Biên Hòa - Long Thành 60 m... liên hệ 03481200..."; "Thanh lý 25 lô đất Trần Văn Giàu, giá 850 triệu đồng/nền, đường nhựa 18 m, NH hỗ trợ 50%, chiết khấu 7%... liên hệ 09087431..."; "Ngân hàng S. thanh lý 10 lô đất Thủ Đức, giá tốt. Vui lòng liên hệ...".
Liên lạc với một số điện thoại trong số này, chúng tôi được người bên kia giới thiệu buổi đấu giá thanh lý đất nền được ngân hàng S. tổ chức vào sáng chủ nhật 21-7 tại một địa chỉ trên đường Bình Quới (quận Bình Thạnh, TP HCM). Người này sau đó thường xuyên dùng 2 số điện thoại thay nhau gọi nhắc chúng tôi "đừng bỏ lỡ cơ hội mua đất nền giá tốt của ngân hàng thanh lý".
Có mặt tại điểm hẹn đúng giờ, phóng viên nhận ra đây không phải ngân hàng mà trụ sở của Công ty Tạo Tín Phát với rất nhiều nhân viên đang tư vấn cho khách đến dự, cả những người đang đi trên đường cũng được chào mời.
Tiếp chúng tôi, một nhân viên tên Thiện lấy ra tờ giấy vẽ sẵn một dự án rất đẹp mắt với 13 lô đất nằm ở khu vực Quốc lộ 13, thuộc quận Thủ Đức, TP HCM. Ban đầu Thiện nói chưa có giá chính xác, lúc sau lại nói tầm 1,8 tỉ đồng cho lô đất diện tích 4x15 m. Thiện cho biết dự án này được công ty nhận thanh lý của ngân hàng, tất cả có sổ riêng, chủ đầu tư là Công ty Thanh Hà. Khi chúng tôi đòi đi xem đất thì Thiện lại lái câu chuyện sang hướng khác, quảng cáo về hàng loạt dự án công ty đang nhận thanh lý ở Bình Dương như dự án ở đối diện Bệnh viện Hạnh Phúc, dự án ở Thủ Dầu Một, dự án Phương Trường An ở Bến Cát… Lúc khác, Thiện lại nhận Công ty Tạo Tín Phát là chủ đầu tư phát triển hạ tầng, đường sá, điện nước... Cuối cùng, khách hàng được mời lên xe để đi xem dự án Phương Trường An chứ không phải khu đất ở Quốc lộ 13 thuộc quận Thủ Đức như giới thiệu ban đầu. Lấy lý do dự án quá xa nên phóng viên từ chối không đi xem đất, một số người khác cũng bỏ về chỉ có vài người lớn tuổi được nhân viên "dìu" lên xe đi xem dự án.
Cũng với chiêu mượn danh ngân hàng thanh lý nhà đất, một môi giới nhắn tin: "Thay mặt Phòng Thanh lý tài sản Ngân hàng S., mời chị đến địa chỉ tổ chức trên đường Tạ Quang Bửu, quận 8, TP HCM để tham gia chương trình… ". Nhưng khi liên lạc và tìm hiểu, phóng viên được biết địa điểm nói trên thực chất là quán cà phê, điểm tập kết để các môi giới dẫn khách đi xem dự án ở khu vực Long An.
Một lần khác, người viết nhận được cuộc gọi của một người tự giới thiệu tên Ngoan, là nhân viên kinh doanh BĐS của Công ty Năng Lực Việt (trụ sở Bình Dương), đang bán dự án đất nền giá tầm 650-900 triệu đồng/nền. Khi chúng tôi vặn hỏi một loạt vấn đề liên quan đến vị trí dự án, pháp lý, chủ đầu tư thì nhân viên này ú ớ, không biết trả lời và vội vàng chuyển điện thoại sang một người khác. Người này tự xưng là quản lý của Ngoan. "Vị quản lý" này giới thiệu cho chúng tôi về dự án KCN Nam Tân Uyên gần trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương do Công ty Địa ốc Kim Hoàng làm chủ đầu tư, chuẩn bị mở bán vào ngày 27-7 tới, hiện chưa có giá cụ thể.
Liên hệ với phóng viên, bà Thu Minh, quê Hà Tĩnh vào TP HCM nuôi con gái đang sinh, kể mới đây bà đi tìm hiểu mua chung cư nhưng lại được nhiều nhân viên môi giới liên lạc mời gọi mua đất nền. "Tôi nghe họ giới thiệu đất nền ở khu quận 2 có giá tầm hơn 1 tỉ đồng, tính ra tầm 20 triệu đồng/m2. Tôi khấp khởi mừng vì mua được đất rẻ xây nhà vẫn hơn mua chung cư nhưng con rể nhắn tôi liên lạc lại với người tư vấn hỏi rõ đất quận 2 ở khu vực nào, pháp lý thế nào, nếu đất có sổ mà đúng giá 20 triệu đồng/m2, thậm chí 30 triệu/m2, cứ đăng ký mua 10 lô xem họ nói gì. Khi tôi làm theo lời con rể thì nhân viên tư vấn ẫm ờ rồi tắt máy" - bà Minh thuật lại.
4 KIỂU GIAO DỊCH BẤT ĐỘNG SẢN DỄ MẤT SẠCH TIỀN
Tham gia huy động vốn theo mô hình đa cấp hay mua “lúa non” (nhà đất chưa xong pháp lý) là những giao dịch nhiều rủi ro.

Tham gia huy động vốn theo mô hình đa cấp hay mua “lúa non” (nhà đất chưa xong pháp lý) là những giao dịch nhiều rủi ro.
Trong buổi chia sẻ pháp lý gần đây, Luật sư Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch LP Group chỉ ra 4 trường hợp giao dịch bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro đang diễn ra phổ biến trên thị trường để cảnh báo nhà đầu tư.
Kiểu huy động vốn đa cấp
Đây là chiêu huy động vốn theo phương pháp Ponzi (lấy tiền người này để trả cho người khác – một hình thức đa cấp) có 5 biểu hiện phổ biến. Đầu tiên là bằng mọi giá mời gọi người mua xuống tiền đặt cọc. Bước này được gọi là tiến hành huy động vốn trái phép.
Dấu hiệu kế đến là cố tình chào bán dự án nhà đất chưa đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật và thu tiền theo tiến độ tự đặt ra. Đặc điểm nhận diện thứ ba là nghĩa vụ của chủ đất mập mờ, thường không ra mặt mà ủy quyền cho một đơn vị khác thực hiện các thủ tục. Theo quy định của pháp luật, khi chưa đủ điều kiện kinh doanh bất động sản (chủ đất chưa được cấp quyền hoặc chưa được thuận chủ trương đầu tư) thì không được phép ủy quyền cho bên thứ hai bán ra thị trường được.
Đặc điểm thứ tư là xuất hiện đội ngũ nhân viên hùng hậu bán đất khi chưa được phân quyền (ủy quyền sai luật). Đặc điểm cuối cùng là người mua lần đầu (F1) vì lỡ mua sản phẩm bất động sản có rủi ro về pháp lý vẫn tiếp tục bán đi cho người khác (F2) tạo nên một vòng tròn giao dịch đa cấp không có hàng rào pháp lý vững chắc.
Trên thị trường đang có một số công ty vận hành mô hình này để bán bất động sản và nhiều nhà đầu tư đã sập bẫy, mất sạch vốn liếng. Vì vậy, trước khi xuống tiền mua sản phẩm, nhà đầu tư hãy yêu cầu bên bán tường thuật quy trình giao dịch hoặc quan sát quy trình giao dịch mẫu đồng thời kiểm tra pháp lý các bước để hạn chế rủi ro.
Một dự án tại Vũng Tàu bán hàng trăm nền tiến hành kiểu huy động vốn theo mô hình đa cấp vừa bị cơ quan chức năng địa phương tiến hành cưỡng chế.
Đầu tư "lúa non"
Trên thị trường, chiêu buôn bất động sản khi pháp lý, quy hoạch chưa hoàn chỉnh được gọi là "bán lúa non". Với lời mời gọi nền đất luôn tạo giá trị lâu bền và lướt sóng dễ dàng, bên bán không gặp khó khăn khi tiếp cận khách hàng. Người mua hiểu rõ tình trạng pháp lý của sản phẩm tuy nhiên chấp nhận vì tin vào kịch bản màu hồng.
Tuy nhiên, đầu tư lúa non kiểu này phát sinh rất nhiều tiêu cực. Bên bán dùng các thủ thuật để đánh vào lòng tham của nhà đầu tư như: thủ thuật bánh vẽ dự án, bánh vẽ quy hoạch, viễn cảnh hạ tầng hoàn thiện và dự án "tựa bóng ông lớn". Thực tế có rất nhiều hồ sơ bán đất giả con dấu nếu người mua không hiểu biết pháp luật, thiếu thông tin và cách thức kiểm tra quy hoạch thì rất dễ bị đánh lừa.
Lời khuyên khi đầu tư vào đất nền để tạo giá trị thì phải tạo giá trị trên tài sản hợp pháp, không nên kỳ vọng vào việc tạo giá trị trên tài sản chưa đủ điều kiện kinh doanh. Nếu biết bản thân mua một mảnh đất sai sót về mặt pháp lý tức là bạn đang mua rủi ro.
Chiêu mua bán cọc
"Cọc" nghĩa là khái niệm giao dịch mua bán diễn ra ngay thời điểm trước công chứng (trước chuyển nhượng dự án, sản phẩm). Rất nhiều trường hợp thị trường nóng sốt một bất động sản có thể phát sinh rất nhiều hợp đồng cọc sang tay từ người này sang người khác. Chính vì thực hiện giao dịch "cọc" này quá dễ dàng nên đã tạo kẽ hở cho nhiều cú lừa mua bán hợp đồng đặt cọc. Rất nhiều người không rõ mua bán cọc là gì nên càng giao dịch càng đẩy rủi ro lên đỉnh điểm. Trên thực tế chỉ có hợp đồng mua bán mới có giá trị pháp lý cao nhất và an toàn cho nhà đầu tư.
Hợp đồng cọc là một thỏa thuận dân sự chưa tiệm cận đến trong Luật Kinh doanh Bất động sản (luật không có quy định nào liên quan). Hợp đồng cọc, biên bản cọc chủ yếu là thương lượng giữa người bán và người mua. Trong trường hợp đó, người mua phải chấp nhận "luật chơi" bên bán vẽ ra. Hợp đồng cọc đa phần do bên bán đặt ra khá sơ sài, các cam kết còn yếu và nửa vời và ngắn hạn nên rủi ro rất lớn nếu người mua không biết thẩm định và thiếu kiến thức về pháp lý.
Mua bất động sản không hình thành đơn vị ở
Bất động sản không hình thành đơn vị ở là những dự án thường được quảng bá đạt chuẩn cao cấp như villa biển, resort, condotel.... Các nhóm sản phẩm chưa được quy định trong luật. Sản phẩm được quảng cáo cấp sổ đỏ lâu dài và cam kết lợi nhuận cao.
Có 3 vấn đề ở loại hình bất động sản này. Thứ nhất là cam kết lợi nhuận khủng (có những cam kết thể hiện bằng văn bản). Thứ hai là thực hiện cam kết nửa vời. Và thứ ba là giải quyết vướng mắc một cách lúng túng, cơ quan chức năng chưa có hành lang pháp lý để giải quyết mâu thuẫn này.
Vừa qua thông tin thu hồi sổ đỏ một dự án condotel ở Đà Nẵng cho thấy, nếu mua bán loại hình condotel thì thỏa thuận 2 bên sẽ là cơ sở để xử lý khi phát sinh tranh chấp. Tuy nhiên các cam kết thường không bàn đến pháp lý của sản phẩm mà chủ yếu căn cứ vào hợp đồng khai thác/mua bán căn hộ nghỉ dưỡng giữa hai bên.
Hiện chưa có tiêu chí nào để khẳng định bất động sản không hình thành đơn vị ở là loại hình đầu tư mang lại giá trị bền vững. Mặt khác khung pháp lý của loại tài sản này cũng còn nhiều lỗ hổng, chưa hoàn chỉnh. Rủi ro về mặt pháp lý đối với bên mua khi xuống tiền đầu tư loại bất động sản này rất khó lường.


COPYRIGHT © 2020 DUYÊN HẢI LAND. ALL RIGHTS RESERVED

